Lên kế hoạch gỡ nút thắt cho khoa học công nghệ phát triển

Lên kế hoạch gỡ nút thắt cho khoa học công nghệ phát triển

Đó là nội dung chính của hội thảo “Khoa học và công nghệ tài chính phục vụ phát triển kinh tế- xã hội” do Bộ Tài chính tổ chức ngày 12/5 tại Tp. Ninh Bình.
Còn phụ thuộc nhiều vào NSNN

Theo TS Nguyễn Viết Lợi – Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính), KHCN ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Vì thế, tiềm lực KHCN không ngừng được tăng cường, đầu tư từ NSNN tăng bình quân 16,5%/năm, đạt khoảng 2% tổng chi NSNN, góp phần nâng cao chất lượng và tăng năng suất lao động, bình quân 4,2%/năm. Đối với ngành tài chính, hoạt động KHCN đã góp phần xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật trong lĩnh vực tài chính. Cụ thể, trong lĩnh vực thuế chỉ tính trong 5 năm qua bên cạnh nhiệm vụ thu NSNN, phát triển KHCN đã góp phần tạo cơ sở cho việc hoạch định kế hoạch cải cách quản lý thuế giai doạn 2016-2020; cung cấp luận cứ xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về chính sách thuế và quản lý thuế; kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật.

go-nut-thac

Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, song theo đánh giá của các chuyên gia, KHCN vẫn chưa thực sự gắn kết và trở thành động lực phát triển kinh tế- xã hội. Đóng góp của KHCN vào nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh chưa cao. Số lượng sáng chế, công trình khoa học công bố trên tạp chí quốc tế uy tín còn chưa nhiều. Thị trường KHCN phát triển còn chậm, nhất là việc chuyển giao công nghệ, trong khi cơ chế quản lý còn chậm đổi mới, đặc biệt đầu tư cho KHCN chưa thật sự được chú trọng. Nếu như Bộ Kế hoạch và Đầu tư lo chi đầu tư phát triển khoảng 44%, một phần lương sự nghiệp do Bộ Tài chính chi, thì phần chi nghiên cứu lại do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì.

Đáng nói, nếu như ở các nước phát triển phần lớn kinh phí đầu tư cho KHCN đến từ DN, Nhà nước chỉ bỏ ra khoảng 20-30% kinh phí, thì tại Việt Nam ngược lại. Theo TS Lương Văn Khôi- Phó Giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tại các nước, KHCN phát triển mạnh là do có sự đầu tư mạnh từ DN. Đầu tư của DN Việt Nam chiếm 41,8%, tương đương 734 triệu USD, thì con số này lần lượt tại Trung Quốc là 74,6% và 248.811 triệu USD, Hàn Quốc là 75,7% và 51.501 triệu USD, Thái Lan là 48,7% và 1.735 triệu USD…

Tiếp tục đổi mới tự chủ tài chính

Khẳng định KHCN là quốc sách hàng đầu và là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế xã hội. Đến năm 2020, KHCN ở một số lĩnh vực sẽ đạt trình độ tiên tiến, hiện đại của khu vực ASEAN và thế giới. Muốn vậy, các đại biểu đều cho rằng ngoài việc tăng cường năng lực quốc gia về KHCN theo hướng đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục, huy động nguồn nhân lực ngoài nhà nước đầu tư cho KHCN; thúc đẩy DN lớn đi đầu trong đầu tư nắm bắt và phát triển công nghệ để tăng sức cạnh tranh toàn cầu và năng lực xuất khẩu. Bên cạnh đó, xã hội hóa các nguồn lực đầu tư cho KHCN, thu hút đầu tư từ DN, coi đây là nguồn lực tài chính. Theo TS Lương Văn Khôi, Chính phủ cần cho những chính sách trợ giúp DN đầu tư KHCN, trong đó có thể cho thành lập và vận hành hiệu quả bảo lãnh tín dụng, quỹ hỗ trợ DNNVV, kết nối DN trong nước với DN FDI để chuyển giao máy móc, thiết bị, công nghệ; thành lập và đưa vào có hiệu quả các khu công nghệ cao, tổ hợp công nghệ; khuyến khích các tập đoàn, DN lớn tham gia vào chuỗi công nghiệp phụ trợ.

Cùng với đó, Nhà nước phải coi đầu tư từ các nguồn ngoài NSNN, đặc biệt là từ các DN cho KHCN là chính, tiến tới đầu tư cho KHCN phải chủ yếu từ DN. Theo đó, cần có cơ quan theo dõi, tổng hợp, phân tích cức hoạt động KHCN không dùng NSNN để tham mưu cho Nhà nước các giải pháp đột phá trong việc thu hút đầu tư và phát triển KHCN. Cùng với đó, cần thiết phải đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế quản lý nhất là cơ chế tài chính. Đẩy mạnh các vấn đề cải cách dịch vụ công về KHCN, triển khai các cơ chế chính sách mới tác động tích cực, tháo gỡ những khó khăn về thủ tục hành chính, đưa nghiên cứu gắn với thực tiễn cuộc sống.

Dưới góc độ cơ quan quản lý tài chính, đại diện Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) chia sẻ, giai đoạn 2017-2020 để tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đổi mới cơ chế tự chủ của tổ chức KHCH, ngoài việc điều chỉnh bổ sung các quy định, cơ chế chính sách cho phù hợp thì cần rà soát giảm số lượng các tổ chức KHCN được nhận kinh phí hoạt động thường xuyên từ NSNN; kiên quyết chuyển sang thực hiện cơ chế tự chủ đối với những tổ chức KHCN có điều kiện; từng bước bố trí kinh phí hoạt động thường xuyên sang phương thức Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ. Đồng thời với đó, các tổ chức nghiên cứu ứng dụng có lộ trình giảm chi thường xuyên từ NSNN. Tiếp tục đổi mới cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao đối với đơn vị sự nghiệp khoa học công nghệ.

Để lại bình luận





Hotline: 02873033667